Vẻ đẹp tiếng Việt trong sách 'Tình ca tiếng nước ta'
Tác giả Dương Thành Truyền phân tích những kiểu chơi chữ của người Việt, ở sách "Tình ca tiếng nước ta".
Khi bàn về ngôn ngữ, một số người thường nghĩ đến phân tích câu từ, ngữ pháp, nghiên cứu phương ngữ, những áng văn thơ. Trong Tình ca tiếng nước ta, tác giả Dương Thành Truyền chọn cách ghi chép lời ăn tiếng nói trên vỉa hè, Internet lẫn lĩnh vực báo chí, thể thao.
Phần một gồm những phát hiện về kiểu chơi chữ mà người Việt tạo ra trong các cuộc vui chữ nghĩa, đáp ứng nhu cầu trí tuệ. Tác giả bàn về can - chi, cách lý giải trong phong tục tín ngưỡng Việt Nam, cách đố chữ vận dụng chữ Hán, chữ Nôm, câu đối, thơ xưa, đọc thuận đọc nghịch (thuận nghịch độc, hay còn gọi là hồi văn). Có những bài thơ có thể đọc được đến sáu, tám cách.
Theo tác giả, từ xưa, cha ông ta có thể làm thơ "đọc xuôi là thơ chữ Hán, đọc ngược lại thành ra thơ quốc văn". Giai thoại làng Nho (1964) của Nam Chi Tùng Thư có ghi lại chuyện về ông Bảng Kim Bồng, tức Quốc tử giám Tế tửu Vũ Duy Thanh. Trong lúc nhàn rỗi, ông Bảng cao hứng vịnh thơ Phong hoa tuyết nguyệt bằng thể thất ngôn bát cú, theo lối thủ vĩ ngâm (câu đầu và câu cuối giống nhau hoàn toàn):
"Thi đàn thế liễu lộng hoa hài
Khách bộ tùy sương ấn bích đài
Kỳ cục đả phong thanh áp trận
Tửu biều nghinh tuyết bạch hòa bôi
Sơ liêm thấu nguyệt hương ly cúc
Yến tịch lăng hoa vị át mai
Phi phất lĩnh đầu chiêm tĩnh điếm
Thi đàn tế liễu lộng hoa nhài"
Khi đọc ngược theo lối Nôm, bài thơ chữ Hán trở thành một bài thơ thuần Việt:
"Giày hoa lỏng lẻo tới đàn thơ
Điếm tạnh xem đầu núi phất phơ
Mai át mùi hoa lừng tiệc yến
Cúc lìa hương nguyệt thấu rèm thưa
Chén hòa bạch tuyết nghiên bầu rượu
Trận áp thanh phong đánh cuộc cờ
Rêu biếc in sương theo bước khách
Giày hoa lỏng lẻo tới đàn thơ"
Tác giả còn ví dụ về chữ cái một thời gắn liền với lịch sử, như từ "đi B". Trong kháng chiến chống Mỹ, "đi B" nghĩa là "đi vào chiến trường Nam Bộ", từ đó sinh ra "B quay", nghĩa là những người "đi B" nhưng không chịu nổi gian khổ, tìm đường quay về hậu phương.
Cùng sự phát triển mạng xã hội, có nhiều thành ngữ, kiểu ăn nói mới xuất hiện, với hàng triệu người sử dụng từng ngày. Phần hai - Biên bản từ cuộc sống - là quá trình sưu tầm cách dùng từ trong sách vở, báo chí, thông điệp quảng cáo, phát thanh và truyền hình, sân khấu, ca từ.
Tác giả nhắc đến lối nói kết hợp Anh - Việt, Hán - Việt, tận dụng đồng âm của giới trẻ, như tên bài hát See tình (Hoàng Thùy Linh), "cool ngầu", "đỉnh kout". Trong mâm cúng thời đại dịch, thay vì "cầu-dừa-đủ-xài" (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài), người ta mượn chữ, bày mãng cầu, khổ qua, con vịt và chai bia Corona, có nghĩa là "cầu qua dịch Corona".
Các nhà quảng cáo, tiếp thị thường xuyên sáng tạo những câu ca dao, tục ngữ trong chiến lược của họ. Vinamilk từng dùng thông điệp "Ba ly chụm lại nên tầm vóc cao" (phỏng theo ca dao: "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"). Samsung quảng bá bằng cách dùng câu giới thiệu: "Mắt biếc năm xưa nay đây", nhại theo câu "Mắt biết năm xưa nay đâu" trong bài hát Mắt biếc (Ngô Thụy Miên).
Tác giả quan sát cách dùng và chơi chữ với tâm thế cởi mở, đặt trong sự phát triển của cuộc sống và giao lưu văn hóa đa chiều. Từ đó, cuốn sách giúp bạn đọc hiểu thêm về truyền thống, đồng thời cung cấp thông tin về nhiều chủ đề cuộc sống.
Trước ý kiến việc chơi chữ của người trẻ làm "biến tướng" sự trong sáng của tiếng Việt, tác giả Dương Thành Truyền cho biết ngôn từ không bất biến, từ vựng và phương thức diễn đạt sẽ thay đổi theo thời gian. Lối dùng từ hiện nay là kiểu chơi chữ song ngữ của thời đại Internet và mạng xã hội. Theo tác giả, thầy cô, nhà văn, nhà báo, dịch giả và người sáng tạo nội dung trên nền tảng kỹ thuật số hiện nay phải làm gương, đồng thời dẫn dắt trong việc giữ gìn và phát triển ngôn ngữ.
"Cái chúng ta cần cảnh giác là lối ăn nói, viết lách mà nhà văn Hồ Anh Thái gọi là 'Tây An Nam' theo tên một vở kịch của nhà văn Nam Xương: Xem thường tiếng ta, lười nhác chuyển ngữ, tùy tiện chêm xen tiếng nước ngoài, dùng sai lệch từ vựng, bất chấp trật tự ngữ pháp", ông nói.
Tác giả Dương Thành Truyền, 63 tuổi, bút danh là Duyên Trường. Ông nguyên Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ. Tác giả có nhiều tập sách được độc giả chú ý như tạp bút Ký ức về nước mắt và tiếng cười (1997), tạp văn Chuyện gái trai (2000), Trên đường về nhớ đầy (2018), Trái tim có hình hộ khẩu (2017), Bắt đầu bằng để lại (2023).
Quế Chi
No comments